Nhân kỷ niệm 85 năm thành lập môn phái, Vovinam Việt Võ Đạo đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2023. Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam đã có những chia sẻ về những dấu son của Vovinam thời gian qua và định hướng phát triển giai đoạn tới.

Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới. Ảnh: LONG GIANG

 * Phóng viên: Phong trào vovinam được đánh giá là có những bước phát triển mạnh ở các địa phương, đặc biệt là việc đưa vovinam vào trường học. Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển này, thưa ông?

– Ông Mai Hữu Tín: Đưa Vovinam vào học đường luôn là mục tiêu phấn đấu của chúng tôi. Nền tảng của vovinam càng trải rộng thì vovinam càng có điều kiện để phát triển rộng và xa. Hơn thế, chúng tôi tin rằng các giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam thể hiện qua võ thuật, võ lực và võ đạo của vovinam sẽ giúp thế hệ trẻ Việt Nam trở thành những công dân toàn diện.

* Sau 3 kỳ liên tiếp ở SEA Games 28 đến SEA Games 30 (từ 2015 đến 2019) không được đưa vào chương trình thi đấu, vovinam đã góp mặt liên tiếp tại trở lại SEA Games 31 và 32. Vovinam đã và đang nỗ lực vận động ra sao có thể có mặt ổn định ở sân chơi khu vực và xa hơn là vào đại hội châu lục, thưa ông?

Trước mắt chúng tôi tập trung cho SEA Games 33 ở Thái Lan vào năm 2025. Mọi việc đang diễn biến thuận lợi, một phần là vì Thái Lan có đội tuyển vovinam mạnh có khả năng tranh chấp huy chương. Còn việc vovinam có thể tham gia Á vận hội hay không phụ thuộc vào nhiều lý do nằm ngoài khả năng của chúng tôi. Có thể chúng tôi phải chờ đến khi Việt Nam đăng cai.

Tính cả trong và ngoài nước thì chúng ta đang có trên 2 triệu môn sinh vovinam trên toàn cầu. Thành quả này đương nhiên đến từ công sức thầm lặng nhưng vô cùng giá trị của nhiều thế hệ võ sư và huấn luyện viên vovinam, hầu hết làm việc miễn phí. Chúng tôi may mắn kế thừa thành quả này, và tự thấy trách nhiệm phải làm tốt hơn nữa.

* Vovinam phát triển mạnh, nhưng trên bình diện cả nước thì không phải nơi nào cũng có phong trào mạnh. Quảng bá vovinam ra các nước cũng vậy, để độ phủ và lan tỏa vovinam được mở rộng hơn, hiện nay có những khó khăn như thế nào, thưa ông?

Khó khăn luôn là con người và tiền. Các võ sư và huấn luyện viên vovinam đều phải có nghề nghiệp chính nuôi sống được họ, hoặc nhờ vào sự trợ giúp của gia đình, và chỉ có thể sử dụng thời gian rảnh rỗi eo hẹp còn lại cho phát triển môn phái. Và họ còn phải chấp nhận cạnh tranh với các võ phái lớn khác của thế giới đã có tên tại Thế vận hội nữa. Tính hy sinh vì môn phái và vì đất nước trong họ là rất lớn và cần được nhìn nhận đúng mực.

Chỉ riêng việc tổ chức các giải đấu, các sự kiện, chi phí của các văn phòng hỗ trợ để có thể vận hành được cả Liên đoàn Thế giới và Liên đoàn Việt Nam cần đến tiền triệu USD hàng năm. Hiện tại con số này tiếp tục là sự đóng góp và hy sinh của môn sinh vovinam.

Vovinam vinh dự được trao Chứng nhận vovinam Việt Võ Đạo là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Ảnh: LONG GIANG

* Sau hơn 85 năm, vovinam đã đi một hành trình dài. Vovinam đặt ra những mục tiêu cụ thể như thế nào cho việc quảng bá và phát triển rộng rãi hơn nữa, và có sự chuẩn bị về nguồn tài chính, nhân lực và các mặt khác cho việc thực hiện các mục tiêu đó ra sao thưa ông?

Chúng tôi vẫn đang tiếp tục dùng tiền cá nhân để duy trì hoạt động và cố gắng mở rộng phong trào tập luyện vovinam hơn nữa. Khi nền tảng đó đủ lớn thì chúng tôi sẽ có các giải pháp về tài chính để huy động nguồn lực của xã hội quay lại phục vụ cho xã hội, qua đó phục vụ cho việc phát triển môn phái. Mục tiêu chung vẫn là đưa vovinam vào Á vận hội và sau đó là Thế vận hội, phủ kín vovinam ở tất cả các nước.

Tại Việt Nam chúng tôi nỗ lực khơi gợi lòng yêu nước của người Việt với khẩu hiệu Học võ Việt, yêu nước Việt để mời gọi lực lượng giáo viên thể chất tập luyện trở thành huấn luyện viên vovinam, tạo cơ sở phát triển vovinam học đường. Chúng tôi liên tục mở các lớp tập huấn cho lực lượng này và cho lực lượng vũ trang. Ở ngoài nước, chúng tôi duy trì đội ngũ võ sư giỏi cả chuyên môn lẫn ngoại ngữ để luân phiên giảng dạy và tập huấn cho lực lượng tại chỗ ở từng nước. Điều đáng mừng là ngày càng có thêm nhiều võ sư nước ngoài đạt khả năng và đẳng cấp xuất sắc không thua kém võ sư người Việt tốt nhất mà chúng ta đang có.

* Được biết vovinam Việt Nam muốn mở học viện vovinam toàn cầu, mái nhà chung đủ lớn và đủ tầm cho môn sinh khắp nơi. Vovinam đã và đang chuẩn bị cho mục tiêu này như thế nào, thưa ông?

Việc này có chậm hơn kế hoạch ban đầu của chúng tôi do các thủ tục cần có. Tôi tin là trước năm 2030 chúng tôi sẽ thực hiện được mục tiêu này. Tên tuổi và quy mô của vovinam – hiện nằm trong top 5 các võ phái lớn nhất thế giới – khiến việc có Học viện Vovinam toàn cầu là việc phải làm nếu muốn phát triển xa hơn.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

MỸ DUNG Thực hiện

(Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *