Trải qua thời gian, trên mảnh đất Quảng Bình kiên cường, môn võ Vovinam-Việt võ đạo vẫn ngày ngày được bảo tồn và phát huy giá trị. Phong trào tập luyện môn võ của dân tộc đã và đang được nhiều thế hệ môn sinh phát triển mạnh mẽ. Giữ cho “ngọn lửa” ấy luôn cháy cũng là cách để thể hiện sự tri ân đối với cội nguồn võ học Việt Nam.
Tinh thần Việt võ đạo
Những ngày đầu tháng 8, giữa cái nắng hè gay gắt, không khí tại Nhà thi đấu Công an tỉnh càng “nóng” hơn bởi diễn ra giải vô địch Vovinam các câu lạc bộ (CLB) tỉnh Quảng Bình lần thứ IV. Hơn 170 vận động viên của 12 CLB trên địa bàn tỉnh cùng tề tựu về đây để tranh tài. Với những người yêu môn võ này, đây là ngày hội lớn để các võ sư, huấn luyện viên và môn sinh khắp nơi được giao lưu, gặp gỡ và học hỏi nhau sau suốt một năm miệt mài tập luyện. Mồ hôi trên sàn đấu hòa lẫn với nụ cười và niềm vui. Một tinh thần võ đạo lan tỏa trên từng nét mặt. Để có được sự kết nối bền chặt ấy, những năm qua, Liên đoàn Vovinam Quảng Bình với vai trò dẫn dắt phong trào và trở thành cầu nối giữa các CLB trên địa bàn tỉnh.
Được sáng lập vào năm 1938 bởi võ sư Nguyễn Lộc, Vovinam là kết tinh của triết lý nhân văn, tinh thần thượng võ và nền tảng văn hóa phong phú. Ngày nay, phong trào Vovinam-Việt võ đạo được phát triển rộng rãi trong nước và trên thế giới khi có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 2,5 triệu võ sinh. Từ khi thành lập Liên đoàn Vovinam thế giới, môn võ càng phát triển mạnh mẽ hơn khi các liên đoàn châu lục và khu vực được ra đời. Đặc biệt, tháng 11/2023, Vovinam-Việt võ đạo được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang trên lộ trình xây dựng kế hoạch để được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Buổi tập luyện của các môn sinh Câu lạc bộ Vovinam Làng trẻ em SOS Đồng Hới. |
Theo anh Nguyễn Văn Tuyến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Quảng Bình, tại Quảng Bình, bộ môn Vovinam-Việt võ đạo được đưa về từ năm 1997 với việc khai giảng lớp học đầu tiên tại Nhà Thiếu nhi Quảng Bình. Đây cũng chính là viên gạch đầu tiên gây dựng nên phong trào luyện tập và thi đấu môn Vovinam tại địa phương. Trong 27 năm qua, bộ môn Vovinam-Việt võ đạo đã thu hút đông đảo mọi đối tượng tham gia tập luyện và được nhiều người yêu thích. Trải qua gần 3 thập kỷ, đã có hàng nghìn võ sinh, môn sinh được rèn luyện, đào tạo về võ đạo, võ thuật, võ lực. Nhiều môn sinh đã trưởng thành, trở thành những công dân có ích cho xã hội, tiếp tục tham gia huấn luyện, đào tạo những thế hệ môn sinh Vovinam, phát triển phong trào tập luyện môn võ của người Việt Nam.
Toàn tỉnh hiện có 17 CLB Vovinam, với gần 500 môn sinh đang tập luyện. Mỗi CLB là một cộng đồng gắn bó, đoàn kết, đầy tinh thần trách nhiệm. Mỗi buổi tập là một lần các môn sinh như tìm thấy niềm hăng say, rèn tính kiên nhẫn, lòng dũng cảm và ý chí để vượt qua mọi thử thách. Từ vùng núi còn nhiều khó khăn hay giữa trung tâm thành phố tấp nập-nơi mà trẻ em và người đam mê thể thao có nhiều sự lựa chọn, phong trào tập luyện Vovinam vẫn phát triển mạnh mẽ và bền bỉ.
Luyện thể thao để giữ văn hóa
Là một trong những CLB ra đời trên vùng khó Tuyên Hóa nhưng CLB Vovinam Châu Hóa vẫn khẳng định được vị trí của mình trong phong trào thi đấu Vovinam toàn tỉnh. Ngay trong giải vô địch Vovinam các CLB tỉnh Quảng Bình lần thứ IV vừa qua, vượt qua 11 CLB khác, CLB Vovinam Châu Hóa đã xuất sắc giành giải nhất toàn đoàn. Môn sinh của CLB đã giành giải 3 tại giải Vovinam miền Trung-Tây Nguyên năm 2023. Đây là “quả ngọt” cho những ngày luyện tập miệt mài, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, giữa khắc nghiệt nắng gió.
Võ sư Trương Công Đại, Chủ nhiệm CLB Vovinam Châu Hóa cho biết, thành lập cách đây 4 năm, CLB hiện có gần 30 môn sinh đang theo học, ở đủ các độ tuổi. Điều đáng trân trọng là niềm đam mê của các em vượt lên khỏi những khó khăn của điều kiện kinh tế gia đình, quê hương. Anh Đại bảo rằng, việc dạy võ không đơn thuần là chỉ dạy các đường quyền, nắn chỉnh các động tác mà những người thầy dạy võ truyền đạt cho các em về võ đạo, để các em hiểu về lịch sử và ý nghĩa của các bài quyền, những câu chuyện về các bậc tiền bối. Khi được tiếp xúc, hiểu sâu về di sản văn hóa này thì không ai khác, chính các môn sinh trở thành một phần không thể tách rời trên hành trình bảo tồn di sản
Biểu diễn võ Vovinam-Việt võ đạo. |
Muốn làm được điều đó, các câu lạc bộ Vovinam trong tỉnh vừa là cầu nối gắn kết tinh thần võ đạo, vừa là nơi vun đắp niềm đam mê của môn sinh đối với bộ môn võ thuật này. Vovinam vừa là môn thể thao nhưng cũng là tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc. Luyện tập Vovinam để rèn sức, luyện ý chí nhưng cũng là đang chung tay để gìn giữ nét đẹp văn hóa lâu đời.
Từ những ý nghĩa tốt đẹp đó mà anh Từ Đức Quyền (phường Nam Lý, TP. Đồng Hới) quyết định cho con theo học Vovinam giữa rất nhiều sự lựa chọn khác. 9 tuổi nhưng cậu bé Từ Lê Quyền Anh đã có hơn 4 năm theo học bộ môn võ thuật này. Từ chỗ đến với Vovinam bởi sự tò mò thì nay, cậu bé đã thực sự đam mê. Tại 2 giải đấu vô địch Vovinam các CLB toàn tỉnh vừa qua, Quyền Anh giành được 3 huy chương bạc. Anh Quyền bảo, thành tích ấy đã động viên, khích lệ cậu bé và càng vun đắp thêm quyết tâm để con trai anh theo đuổi niềm đam mê đặc biệt này. Thời gian khổ luyện và giây phút vinh quang chiến thắng đó sẽ là những kỷ niệm khó phai đối với mỗi môn sinh. Nhưng hơn cả, chính những giá trị về tinh thần, thể chất mà môn võ này mang lại mới là điều đáng trân trọng.
Với Vovinam-Việt võ đạo, phát triển thể thao và bảo tồn văn hóa không phải là hai nhiệm vụ tách biệt, mà là một hành trình đồng hành, bổ sung cho nhau. Phát triển thể thao cũng là đang chung tay gìn giữ những giá trị văn hóa mà cha ông đã để lại cho thế hệ mai sau. Hành trình “giữ lửa” Vovinam trên đất Quảng Bình vẫn sẽ luôn được chung tay, góp sức bởi những người yêu quý và trân trọng giá trị truyền thống.
Theo Bảo Phước – Báo Quảng Bình