Ra đời từ năm 1936, Vovinam (Việt Võ Đạo) là môn phái võ thuật của Việt Nam, có sức hút mọi người không chỉ bởi có những đường quyền uyển chuyển đẹp mắt, mà còn thể hiện triết lý sống và mang đậm bản sắc văn hóa, tinh thần thượng võ của người Việt. Nhằm phát huy tinh thần thượng võ của dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã ban hành Công văn số 4267/BGDĐT-CTHSSV, ngày 21/7/2010 về phát triển phong trào tập luyện môn Vovinam trong nhà trường. Từ năm 2012, Vovinam đã được chính thức đưa vào chương trình thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc.
Tập luyện môn Vovinam tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (thành phố Nam Định).
Ở Nam Định, Vovinam xuất hiện vào khoảng những năm 1999-2000 nhưng phải đến năm 2010, phong trào tập luyện Vovinam mới phát triển mạnh. Toàn tỉnh hiện có hơn 30 câu lạc bộ (CLB) Vovinam thu hút trên 1.000 võ sinh, chủ yếu là học sinh, tham gia tập luyện thường xuyên. Nhằm tạo điều kiện cho học sinh có sức khỏe, thể lực tốt và đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các địa phương, trường học, CLB, võ đường Vovinam trên địa bàn tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến rộng rãi môn Vovinam và đưa môn võ này vào chương trình thể thao ngoại khóa, thành lập CLB Vovinam trong các nhà trường. Trên đà phát triển, nhiều CLB võ Vovinam được thành lập, trong đó tiêu biểu nhất là Võ đường Vovinam Phú Quý Đường thu hút đông đảo môn sinh theo tập nhất. Với bề dày thành tích tại các giải đấu trong tỉnh, khu vực phía Bắc và toàn quốc, sau 15 năm hoạt động, đến nay Võ đường Vovinam Phú Quý Đường hiện đã có mặt tại thành phố Nam Định và các huyện: Vụ Bản, Trực Ninh, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Giao Thủy với gần 30 CLB thành viên với hơn 500 võ sinh các lứa tuổi thanh, thiếu niên, nhi đồng.
Huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Duy Hải, Chủ nhiệm Võ đường Vovinam Phú Quý Đường cho biết: Vovinam nêu cao tinh thần truyền thống bất khuất của dân tộc, khai thác trọn vẹn 2 phần “cương” và “nhu” của con người. Môn võ sẽ rèn luyện cho môn sinh tâm hồn cao thượng, ý chí bất khuất, tính tình hào hiệp, cách đối nhân xử thế, tinh thần “tôn sư, trọng đạo”. Từ các CLB võ thuật học đường, Võ đường Vovinam Phú Quý Đường đã lựa chọn được nhiều võ sinh có trình độ tham gia và đạt thành tích cao tại nhiều giải đấu. Năm 2023, võ đường tham dự Giải Vovinam học sinh phổ thông toàn quốc tổ chức tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) xuất sắc đoạt 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc lứa tuổi THCS, xếp thứ 9 toàn đoàn.
Nhằm khuyến khích học sinh tập luyện Vovinam, nhiều năm qua, các ngành: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, GD và ĐT tỉnh đã phối hợp mở các lớp tập huấn cho giáo viên giáo dục thể chất của các trường học, đồng thời khuyến khích các nhà trường đưa một số môn võ thuật phù hợp trở thành môn thể thao tự chọn để rèn luyện trong học sinh, trong đó có Vovinam. Hiện tại, Vovinam là môn võ chính được đưa vào chương trình thi đấu giữa các trường học, Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố trong các giải võ thuật học đường, Hội khỏe Phù Đổng và đại hội thể dục thể thao các cấp.
Huyện Ý Yên là địa phương có phong trào Vovinam phát triển mạnh. Từ năm học 2019-2020, ngành GD và ĐT huyện đã bắt đầu thí điểm đưa môn Vovinam, võ nhạc trở thành môn ngoại khóa tại các trường tiểu học, THCS, THPT. Các trường đã cử giáo viên giáo dục thể chất tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy võ thuật cổ truyền; đồng thời mời các HLV có kinh nghiệm, cộng tác viên có chuyên môn, được cấp chứng chỉ tham gia dạy các lớp Vovinam trong các nhà trường. Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao huyện đã phối hợp với các CLB Vovinam 2 lần tổ chức thành công Giải Vovinam thanh, thiếu niên huyện mở rộng vào dịp hè với sự tham gia của hơn 100 vận động viên thuộc CLB Vovinam các huyện: Ý Yên, Hải Hậu, Mỹ Lộc, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Vụ Bản và thành phố Nam Định. Qua đó, tạo cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm công tác huấn luyện, thi đấu giữa các CLB Vovinam trên địa bàn tỉnh; đồng thời phát hiện tài năng thể thao để bồi dưỡng, đào tạo, bổ sung cho các đội tuyển năng khiếu của tỉnh. Tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh lần thứ X-2024, đội tuyển Vovinam Phú Quý Đường (Phòng GD và ĐT huyện Ý Yên) tham gia thi đấu Vovinam với các nội dung quyền đồng đội nữ, võ nhạc và xuất sắc giành Huy chương Bạc toàn đoàn. Ở xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng), Đoàn Thanh niên xã phối hợp với CLB Vovinam Phú Quý Đường huyện thành lập CLB Vovinam thu hút đông học sinh các trường học của xã và các địa phương lân cận tham gia học. CLB do HLV Vũ Văn Lợi làm chủ nhiệm với mong muốn tạo ra sân chơi bổ ích cho thanh, thiếu niên trên địa bàn xã trong dịp hè, giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội, các trò chơi, phim ảnh bạo lực, không lành mạnh, nâng cao kỹ năng tự vệ, góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường… Tại các buổi học, các võ sinh được học tập và rèn luyện các nội dung: quyền, đối kháng và thể chất. Sau một thời gian tập luyện, các em ngày càng yêu thích môn võ này; các động tác kỹ thuật ngày một thuần thục, điêu luyện; tinh thần võ thuật, tinh thần đồng đội ngày càng được nâng cao. Hai trường tiểu học: Lê Hồng Sơn và Lê Quý Đôn (thành phố Nam Định) là những điểm sáng trong việc đưa môn võ Vovinam vào giảng dạy, tập luyện. Trong đó, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn là đơn vị đầu tiên ở thành phố triển khai đưa môn võ Vovinam vào học đường. Hiện CLB Vovinam của trường thu hút hơn 30 giáo viên và học sinh tham gia tập luyện. Đặc biệt, việc tập luyện võ thuật kết hợp với võ nhạc đã tạo ra những hiệu ứng tích cực trong phong trào TDTT của nhà trường. Nhà trường đã lồng ghép học Vovinam trong các buổi ngoại khóa, đồng thời tổ chức các hội thi, xây dựng các tiết mục biểu diễn quyền thuật đồng đội, tạo sân chơi lành mạnh, phát triển toàn diện cho học sinh. Tại thành phố Nam Định còn có các trường tiểu học: Trần Nhân Tông, Phạm Hồng Thái, Lê Quý Đôn, Hồ Tùng Mậu, Mỹ Xá, Lộc An, Lê Hồng Sơn, Trần Tế Xương. Cùng với đó là các trường THCS: Hàn Thuyên, Quang Trung cũng phát triển mạnh võ Vovinam.
Có thể nói, phong trào Vovinam ở trường học các cấp trên địa bàn tỉnh đang phát triển khá sâu rộng. Các nhà trường đã chú trọng kết hợp với các CLB, võ đường để mời võ sư, HLV về dạy cho học sinh trong các tiết học ngoài giờ, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất, đẩy mạnh phong trào võ thuật học đường. Hầu hết các trường đưa môn Vovinam vào chương trình học ngoại khóa với 2 buổi/tuần hoặc vào kỳ nghỉ hè với 3 buổi/tuần. Nội dung huấn luyện được các HLV, giáo viên thể dục soạn thảo phù hợp lứa tuổi và các yêu cầu rèn luyện thể lực, tiếp thu tinh thần võ đạo cao thượng. Hầu hết các trường đưa môn Vovinam vào chương trình học ngoại khóa với 2 buổi/tuần hoặc vào kỳ nghỉ hè với 3 buổi/tuần. Ngoài việc nhân rộng phong trào, các CLB Vovinam tại những điểm trường còn là nơi cung cấp vận động viên võ thuật chất lượng cho thể thao thành tích cao của tỉnh. Để khích lệ phong trào Vovinam phát triển, tạo cơ hội cho các môn sinh được rèn luyện, giao lưu, học hỏi, hàng năm, các CLB, võ đường Vovinam đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyên môn, kiểm tra thi thăng cấp đai, chuyển cấp định kỳ.
Phong trào Vovinam trong học đường đã và đang được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bậc phụ huynh và đông đảo học sinh. Giảng dạy Vovinam nói riêng, võ thuật nói chung trong nhà trường là phương pháp “hai trong một”, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa rèn luyện đạo đức cho học sinh, tạo sân chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích, giúp các em hoàn thiện nhân cách, đạo đức, sống có ích cho cộng đồng và xã hội.
Bài và ảnh: Khánh Dũng – Báo Nam Định