Môn võ Vovinam được võ sư Nguyễn Lộc sáng lập năm 1938, lúc ông mới chỉ có 26 tuổi. Tên gọi Vovinam đã cho thấy tầm nhìn lớn của chàng thanh niên Việt, muốn đưa võ thuật Việt sánh ngang với các cường quốc võ thuật trên thế giới.

Cách chào của Vovinam với bàn tay phải đặt lên phía trước trái tim với thông điệp “bàn tay thép và trái tim từ ái” cũng là một nét đặc sắc mang khí chất của người Việt Nam. Mỗi khi hát quốc ca Việt Nam và “Vovinam tâm ca”, các môn sinh Vovinam đều thi hành nghi lễ này, tạo ra một không khí hết sức trang nghiêm và xúc động.

Theo bước chân sáng tổ Nguyễn Lộc, Vovinam đã lan tỏa từ Bắc vào Nam. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Vovinam đã theo bước chân của hàng vạn người Việt bước ra thế giới và đến nay đã có mặt ở trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều đặc biệt là Vovinam đã đặt chân tới các quốc gia siêu cường về võ thuật như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc… và có chỗ đứng tại đó với một vị thế đầy kiêu hãnh. Nhiều người cho rằng Vovinam phát triển được ra thế giới nhờ hai yếu tố: đơn giản, thực dụng về kỹ thuật và giá trị văn hoá Việt.

Để Vovinam ra được thế giới, phải kể đến công lao của hàng ngàn võ sư người Việt đã ra nước ngoài sau những biến cố lớn của lịch sử. Nhiều người có cuộc đời đầy bi kịch nhưng vẫn kiên cường tồn tại nhờ các phẩm chất của người Vovinam và muốn giúp người khác có được những phẩm chất ấy. Như lời bài Vovinam tâm ca: “Vovinam đây nguồn sống anh dũng bất khuất của cháu con Lạc Hồng. Vovinam nơi rèn đúc thanh niên thành người hữu ích hiên ngang. Vovinam truyền vào tâm tư thanh niên, một niềm tin lên hương, một tình thương bao la, một hoài bão cao xa.”

Phần Lan là một trong những quốc gia phát triển ở Bắc Âu, nhưng dân số lại khá ít ỏi, chỉ với khoảng hơn 5,5 triệu người. Ngôn ngữ chính tại nước này là tiếng Phần Lan – một ngôn ngữ thuộc hệ ngôn ngữ Ural. Hiện nay Phần Lan là một quốc gia có phúc lợi xã hội rộng rãi dựa trên mô hình Bắc Âu, đem lại sự thịnh vượng cho toàn dân và trở thành một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất trên thế giới. Phần Lan cũng là nước giữ thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế về giáo dục, khả năng cạnh tranh kinh tế, tự do dân chủ, chất lượng cuộc sống và phát triển con người…

Môn võ Vovinam đã có mặt tại đất nước Phần Lan từ năm 2021 với sự nỗ lực không mệt mỏi của bà Tracy Trần và các cộng sự, và hiện đang ngày càng được phổ biến trong cộng đồng người Việt cũng như người Phần Lan. Để đáp ứng nhu cầu học ngày càng tăng và phát triển ra các thành phố khác của Phần Lan, vì vậy rất cần có thêm các võ sư, huấn luyện viên Vovinam từ trong nước và các nước lân cận sang hỗ trợ Vovinam Phần Lan.

Vừa qua, bà Tracy Trần, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Phần Lan Vovinam Finland và ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Thế giới (WVVF), Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) đã gặp gỡ và trao đổi về kế hoạch phát triển Vovinam tại Phần Lan trong thời gian tới.

Theo ông Bạch Ngọc Chiến, Liên đoàn Vovinam Việt Nam đang xây dựng các nền tảng kỹ thuật số để hỗ trợ việc huấn luyện và tập luyện của môn sinh Vovinam tại Phần Lan nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Hy vọng trong thời gian sắp tới, nhờ vào sự kết hợp hài hòa giữa các kỹ năng chuyên môn võ học của môn phái Vovinam với các kỹ thuật trên nền tảng công nghệ số, Môn võ Vovinam sẽ càng được phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên đất nước Phần Lan tươi đẹp. Từ đó sẽ góp phần quảng bá các giá trị tinh hoa văn hóa Việt ra khắp thế giới.

Theo facebook Đại sứ Phạm Thị Thanh Bình

(Đại sứ Nước CHXHCN Việt Nam tại Phần Lan)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *